Thế giới tự nhiên không chỉ là kho tàng vô giá của nhân loại, mà còn là liều thuốc thần diệu chữa lành cơ thể và tâm trí con người.
“Đối với tôi, dường như thế giới tự nhiên là nguồn cảm hứng lớn nhất, nguồn vẻ đẹp thị giác tuyệt vời nhất và nguồn trí tuệ vĩ đại nhất. Đó cũng là nguồn gốc lớn nhất của vô vàn điều kỳ diệu trong cuộc sống khiến cuộc đời này trở nên giá trị và đáng sống” – David Attenborough.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà tự nhiên học kỳ cựu người Anh, người đã dành hơn nửa cuộc đời mình để nghiên cứu và bảo vệ thế giới tự nhiên. Thiên nhiên không chỉ là kho tàng vô giá của nhân loại, mà còn là liều thuốc thần diệu chữa lành cơ thể và tâm trí con người.
Rừng và tôi có một mối duyên gắn kết kỳ lạ, bởi mỗi khi về lại rừng, tôi lại thấy mình đầy hứng khởi, tràn trề năng lượng hơn bao giờ hết. Thật không ngạc nhiên khi Nhật Bản đã dùng cách “tắm rừng” như một phương pháp trị liệu cơ thể và tâm trí hiệu quả cho người thành thị. Nơi tôi thường đến “tắm rừng” hằng nằm và trở nên quen thuộc như người bạn tri kỷ, đó là Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Chỉ mất vài giờ xe chạy từ thành phố, tôi đã có thể được vòng tay rộng lớn của Mẹ thiên nhiên ôm vào lòng.
VỀ VỚI TỰ NHIÊN
Tạm thời cất bộn bề vào ngăn kéo tủ, tôi tiến thẳng đến bến xe Miền Đông vào lúc Sài Gòn vừa tỉnh giấc. Xe bon bon chạy về hướng Đồng Nai chở theo hơn chục khách trong đó có tôi, phơi phới với niềm vui trở lại rừng.
Nam Cát Tiên thuộc địa bàn 5 huyện Tân Phú, Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Bù Đăng (Bình Phước), cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150 km về phía Bắc. Sau 4 giờ gà gật trên xe, cuối cùng tôi cũng đến được bìa rừng. Bên kia dòng sông đỏ màu phù sa là một dải chân trời xanh ngát trải rộng trước mắt.
Những lần đầu tiên đi Nam Cát Tiên, tôi thường chọn ở một trong những nhà nghỉ thuộc quản lý của vườn quốc gia. Khi ấy, du lịch sinh thái chưa thật sự phổ biến. Một hai năm trở lại đây, khu vực ngay ngoài bìa rừng đã mọc lên nhiều homestay, resort của nhà dân. Tôi chọn ở khu nhà sàn gỗ nép mình bên sông, từ ban công có thể thư thái đọc sách, nghe tiếng chim hót và ngóng về phía rừng già. Không khí trong lành, thuần khiết mang theo mùi thơm ngai ngái của đất và lá cây mục lẫn vào trong gió, dậy lên một cảm giác thân thuộc khó tả.
Sau khi ăn cơm trưa, tôi mua vé phà qua bên kia sông để vào rừng. Tôi thường đi rừng vào mùa khô, khi ấy mặc dù thời tiết khá nóng nhưng trong rừng vẫn mát mẻ. Thời điểm đẹp nhất là cuối tháng 4 và đầu tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa tưới mát cả khu rừng. Hàng ngàn, hàng triệu chú bướm xinh đẹp đủ sắc màu chui ra khỏi kén bay dập dìu khắp nơi, phủ đầy trên đường và những tán lá như trong cổ tích. Lúc ấy, chỉ cần bước nhẹ, bạn cũng có thể đánh động cả đàn bướm khổng lồ chấp chới xung quanh mình. Mùa mưa đến khoảng từ tháng 5 đến tháng 11, khu rừng sẽ trở về với nguyên bản của nó, xanh mướt và rậm rạp. Đó là lúc môi trường tự nhiên dưới những tán lá trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, những cơn mưa ẩm ướt cũng sẽ trở thành “ác mộng” với khách đi rừng bởi đó là thời gian “đi săn” hoàn hảo của loài vắt hút máu. Vì vậy, nếu đi vào mùa mưa, tốt nhất bạn nên mặc trang phục dài tay, kín cổ, bôi thuốc chống vắt để giữ an toàn cho bản thân.
Bây giờ là tháng 10, bầu không khí có chút se lạnh. Sau mỗi cơn mưa rừng thoáng qua, tia nắng yếu ớt xuyên qua các tầng lá tạo nên những quầng sáng mờ ảo trong sương, đẹp như những bức tranh sơn dầu nhưng cũng chất chứa bao điều bí ẩn, huyền hoặc.
Để đi thăm thú trong rừng, bạn có thể chọn nhiều cách khác nhau như đi bộ, thuê xe đạp của trụ sở vườn hoặc đi xe jeep chuyên dụng. Khi qua sông, bạn đi vài chục mét, rẽ trái là đến trụ sở vườn – nơi bạn có thể mua vé và tham khảo các thông tin cần thiết cho chuyến tham quan. Tôi thường chọn phương tiện xe đạp hoặc đi bộ để có thể khoan khoái ngắm nhìn vẻ đẹp của thinh không và hưởng trọn âm thanh của núi rừng.
Vì đã thuộc đường đi trong rừng, tôi không cần xin bản đồ ở trụ sở nữa mà rẽ phải, rảo bước tiến đến chỗ cây Tung. Con đường nhỏ trải nhựa được mưa tẩy rửa sạch bóng, hai bên đường là vạt rừng đung đưa theo gió, chim kêu vượn hú vang vọng cả một góc trời. Có diện tích khoảng 71.000 ha với thảm thực vật và hệ động vật phong phú, rừng nguyên sinh Cát Tiên như một cuốn từ điển bách khoa mở ra với bao kiến thức về tự nhiên với khoảng 1.700 loài thực vật và hơn 700 loài thú, chim quý. Trong đó, có nhiều loại đặc biệt quý hiếm, hầu hết có trong sách Ðỏ và cần được bảo vệ nghiêm ngặt như bò tót, gà so cổ hung, cá sấu nước ngọt, chim công, trĩ, đà điểu… và các loại gỗ quý hiếm như thủy tùng, giáng hương, gõ, trắc, cẩm lai, căm xe… Mỗi thân cây đều được gắn bảng chú thích tên, loài cho những ai chưa biết. Tôi học theo bước thiền chánh niệm của sư ông Thích Nhất Hạnh, bước từng bước chậm rãi, hít hà mùi thơm cây cỏ, ngắm từng cái cây, từng bông hoa dại, từng ngọn cỏ.
Đi khoảng 3 cây số, phía bên trái là cây Tung cổ thụ hơn 400 năm tuổi. Cây Tung cổ thụ cao vút ngạo nghễ, bộ rễ to bản có bề ngang gần 1m, bề dài hơn 5m vươn dài, trồi lên hẳn mặt đất. Bởi vậy, cây Tung này còn có biệt danh “Thằn lằn sấm” của Nam Cát Tiên. Thế nhưng, điều đáng buồn là thân cây quý này chi chít những cái tên được khắc lên cẩu thả, xung quanh lác đác vài vỏ hộp sữa, túi nylon do khách để lại.
Từ chỗ cây Tung, tôi đi tiếp theo lối đường mòn khác để thăm cây bằng lăng chín ngọn, cây thiên tuế 700 năm tuổi. Có vài cây cổ thụ tuy đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá một phần nhưng vẫn hiên ngang vững chãi qua bao năm tháng. Ở đó, tôi gặp một nhóm các em nhỏ đi cùng phụ huynh đang chăm chú nghe anh hướng dẫn viên giảng giải về các loài cây và hệ thực vật xung quanh. Lời giảng hấp dẫn đến nỗi tôi phải đứng nghe, bản thân cũng học được nhiều điều thú vị. Tôi ngắm nhìn những gương mặt non trẻ vừa háo hức, vừa tò mò mà hình dung đến một thế hệ mới giỏi giang với tình yêu và quyết tâm bảo vệ tự nhiên.
Đi hết đoạn đường mòn trong rừng, tôi ra đến đường bê tông chính, bên tai nghe tiếng thác nước rì rầm ở bên kia đường. Vào mùa khô nước cạn, từng tảng đá to lô nhô nổi lên như một bãi đá khổng lồ, nước lạnh và trong vắt. Ghềnh Bến Cự yên tĩnh và hoang sơ là nơi tôi luôn dừng chân rất lâu để thư giãn, nhìn ngắm mây trời và đọc sách. Mùa mưa, nước đổ ầm ào thành thác tung bọt trắng xóa. Mùa nào Bến Cự cũng đẹp, cũng thơ, đủ để níu chân khách qua đường nán lại.
Khi những tia nắng chiều lưa thưa dần, cò trắng rủ nhau bay về tổ là lúc tôi trở về homestay nghỉ ngơi. Ngày mai, tôi có hẹn với Bàu Sấu.
HOÀNG HÔN BÀU SẤU
Ở giữa nơi thăm thẳm đại ngàn, có một vùng đầm lầy rộng lớn với hệ sinh thái vô cùng trù phú mang tên Bàu Sấu, đó cũng là nơi tôi yêu thích nhất. Lần nào đến Nam Cát Tiên, tôi cũng cố gắng ở lại Bàu Sấu một đêm. Giấc ngủ giữa rừng già tĩnh mịch là một trải nghiệm khó thể nào quên.
Để đến Bàu Sấu kịp giờ ăn trưa, tôi thuê xe đạp từ trụ sở, men theo con đường hôm qua và đi thêm khoảng 10 cây số nữa. Lối mòn trải dài phía trước hun hút như bất tận. Hôm nay là một ngày may mắn bởi nắng có phần tươi vui hơn, mưa thoáng qua nhẹ đến nỗi không đủ làm ướt áo. Từng vạt bướm rực rỡ dập dờn như những làn sóng nhỏ, chắp cánh thêm cho hồn tôi phơi phới niềm vui không thể gọi tên.
Chạy khoảng 7 cây số, tôi dừng lại nghỉ chân ở Thác Trời. Mùa mưa về, nước chảy mạnh, mưa dứt nhường tia nắng xuyên qua kẽ lá rọi lên thác cùng những giọt bụi nước li ti dưới ánh mặt trời tạo nên bảy sắc cầu vồng lung linh. Nhiều đoạn phía dưới của thác uốn khúc quanh co, nước lững lờ, tạo thành những bãi tắm trên nền cát vàng tự nhiên dưới làn nước trong veo. Giữa dòng sông mênh mông, thi thoảng lại nổi lên lác đác những gò bồng đảo lớn nhỏ. Trên mỗi gò ấy, những thân cây mọc lên xen kẽ với các loài cây cỏ, rất nhiều thảm thực vật, hoa và những cây con. Nhiều cây trong số đó là những cây thuốc quý hiếm trông như những ốc đảo tí hon. Đặc biệt, khách đi rừng thậm chí có thể dựng lều cắm trại ở đây để được trải nghiệm một đêm giữa rừng, được nghe hát ru bởi tiếng thác thầm thì vọng lại.
Đi đến cổng vào Bàu Sấu, tôi để xe lại phía ngoài hàng rào, khóa cẩn thận rồi tiếp tục đi bộ xuyên rừng để vào trạm kiểm lâm. Khoảng cách 5 cây số ấy là một thế giới tự nhiên tuyệt vời với hàng trăm cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những ngọn cây cao lớn vươn rộng tán lá như bàn tay khổng lồ che kín bầu trời trên đỉnh đầu. Những rễ cây dài ngoằng quyện vào nhau, vắt vẻo ngang qua đường đi như những con trăn khổng lồ. Đôi khi, tôi bắt gặp vài gốc cây to bị sét đánh hoặc mục ruỗng do thời gian đổ dạt sang một bên, đè lên những cây thấp bên dưới. Nhưng ở những thân cây già cỗi đã chết đó, vài mầm sống dương xỉ vươn lên mơn mởn xinh xắn. Bỗng nhiên, tôi giật mình bởi một con rắn chuông màu xanh lá chợt vụt qua chân, mồm còn ngậm một con thằn lằn nhỏ. Con rắn nằm im quan sát rồi vụt biến vào sau những đụn lá khô.
Sau gần hai giờ, tôi đến được cây cầu gỗ dài bắc qua rừng trúc xanh mướt bên dưới. Ở phía cuối cầu, Bàu Sấu đón tôi với một không gian khoáng đạt, rộng lớn. Mặt hồ tĩnh lặng, trải dài qua cả không gian và thời gian. Từng giây phút ở đây trôi qua một cách chậm chạp như thể muốn níu chân người lữ hành.
Đón tôi là Linh, chàng trai trẻ công tác kiểm lâm ở đây đã được vài năm. Do năm nào cũng ghé qua nên chúng tôi tay bắt mặt mừng như bạn xa lâu ngày gặp lại. Trạm kiểm lâm ngoài khối nhà tường gạch cho các anh kiểm lâm ở còn dựng thêm dãy nhà sàn bằng gỗ cho khách lưu trú qua đêm. Công việc chính của kiểm lâm là túc trực bảo vệ môi trường tự nhiên quanh Bàu Sấu, ngăn chặn nạn săn bắt thú rừng và chặt cây lấy gỗ, đôi khi là ngăn chặn cháy rừng kịp thời do người dân đốt rẫy trồng hoa màu. Công việc tay trái là trồng rau, giăng lưới bắt cá và nấu cơm phục vụ khách tham quan Bàu Sấu. Khu vực này tận sâu trong rừng nên không có sóng điện thoại, hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới hiện đại bên ngoài. Từ trạm quan sát, tôi có thể phóng tầm mắt nhìn ra hồ.
Quê nhà của cá sấu nước ngọt (tức cá sấu xiêm), một loài cá sấu của Việt Nam tưởng chừng như đã tuyệt chủng trước đây, có diện tích đất ngập nước lớn nhất Vườn quốc gia Cát Tiên với mặt bàu rộng hơn 2.500 ha vào mùa mưa. Song mùa Hè mặt bàu chỉ khoảng 100-150 ha. Điều tạo nên điểm khác biệt của vùng Bàu Sấu chính là cá sấu trú ngụ đông đúc ở những đám sình lầy. Cá Sấu hiện diện bất cứ nơi đâu trong Bàu Sấu, đó cũng chính là mối đe dọa của rất nhiều loài động thực vật đang sinh sống trong khu vực bàu. Vì thế, Bàu Sấu nghiễm nhiên trở thành lãnh địa mà cá sấu làm chủ hoàn toàn. Sự hung dữ của cá sấu đã tấn công nhiều loài động vật ở đây, thậm chí chúng đã cướp mạng không ít người. Để đối phó, con người đã trả đũa bằng những cuộc săn bắt vô tội vạ, nên mới dẫn đến thực trạng cá sấu nước ngọt sinh sống tự nhiên đã bị tuyệt chủng. Năm 2001, dự án bảo tồn Nam Cát Tiên đã tìm kiếm nguồn cá sấu nước ngọt thuần chủng thả vào Bàu Sấu. Trải qua 20 năm, cá sấu đã phục hồi bản năng tự nhiên như săn mồi, ấp trứng, sinh sôi. Nhìn khung cảnh mặt hồ bát ngát thơ mộng là vậy, nhưng bên dưới là mối nguy hiểm tiềm tàng với hàng trăm “hung thần” đáng sợ.
Linh rất khéo tay nên thường được giao nhiệm vụ nấu cơm cho đoàn. Bữa cơm trưa và tối phải đặt trước, nóng hổi và ngon miệng với thực đơn giản dị gồm các loại cá và rau rừng. Thường vào đêm hôm trước, các anh sẽ chèo thuyền ra hồ đặt lưới, sáng sớm hôm sau lại ra kéo lưới vào với một mẻ đầy cá sông. Ngày hôm đó, cả chủ và khách sẽ có một bữa cơm ngon lành với cá phi-lê chiên giòn, cá khô, cá nướng lá chuối, canh cá ngọt mát.
Buổi chiều, chúng tôi lên thuyền dạo quanh hồ. Chưa bao giờ, tôi thấy cá sấu bơi đến gần mình như vậy. Vài cái đầu dài như khúc cây thô ráp nổi lên mặt nước với hàm răng nhọn hoắt chực chờ. Chúng tôi yên lặng dường như nín thở, vừa sợ vừa thích thú. Cá sấu dường như cũng quen với sự có mặt của người ở đây nên tuyệt nhiên không bơi đến cận mà chỉ quan sát từ một khoảng cách nhất định. Bản thân tôi thấy chúng thật trầm tĩnh, thư thái và hưởng thụ cuộc sống trong chính ngôi nhà của mình. Thuyền chầm chậm trôi, nắng nhuộm vàng trảng cỏ bên hồ. Đó cũng là khi từng đàn khỉ, chim công, chim trĩ ùa ra kiếm ăn. Tôi có cảm giác nơi đây giống như một gia đình, nơi có nhiều loại sống hòa bình cùng nhau, cùng san sẻ nguồn thức ăn vô tận từ đầm lầy.
Đêm xuống, bao phủ xung quanh chúng tôi là một màn đen tối sẫm, rồi từ từ xuất hiện những đốm vàng lóe sáng như những vì sao sa. Đó chính là đôi mắt của cá sấu đang leo lên bờ nghỉ ngơi. Chúng tôi được kiểm lâm đưa cho đèn pin, dặn canh nửa đêm dậy xem nai. Ban đêm là thời điểm những loài thú ăn đêm đến gần nguồn nước để kiếm mồi. Sau vài giờ kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng tôi cũng đã thấy một đàn nai mon men đến gặm cỏ phía xa, trong đó có một chú nai con lẽo đẽo theo mẹ. Không muốn ảnh hưởng đến đàn thú, tôi tắt đèn pin và đi ngủ. Cặp chim già đẫy Java khổng lồ (loài chim gần tuyệt chủng ở Việt Nam) đứng sừng sững như phỗng trên nóc trạm quan sát từ chiều như người lính gác đêm cần mẫn. Đêm u tịch đâu đó vang vọng lại tiếng vượn hú, tiếng cá quẫy nước và tiếng tắc kè nghe não lòng. Đêm rừng thật bình yên.
Sáng sớm, màn sương mỏng lãng đãng phủ lên mặt hồ tạo nên khung cảnh mờ ảo huyền diệu. Tôi nán lại ngắm dòng thời gian chậm rãi dịch chuyển dần trong không gian tuyệt đẹp này, lòng hẹn một ngày trở lại.
Nguồn: copy